3 Yếu Tố Thiết Kế Thương Hiệu Giúp Công Ty Nội Thất Tăng Điểm Ấn Tượng

3 Yếu Tố Thiết Kế Thương Hiệu Giúp Công Ty Nội Thất Tăng Điểm Ấn Tượng

Trong những năm gần đây, đặc biệt là thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid, nội thất là một trong những ngành khá hot với mức độ tăng trưởng bắt đầu đi lên. Lý giải cho việc này chính là nhờ vào quan điểm sống thay đổi tạo nên xu hướng trang trí không gian nhà cửa. Tệp khách hàng trong ngành hàng này trải dài từ Gen Z, Gen Y đến Gen X. Dịch Covid vẫn sẽ không làm xu hướng này dừng lại, có chăng chỉ là chậm lại. Vậy nên, các doanh nghiệp nội thất hãy xây dựng và củng cố nội lực doanh nghiệp, nâng cấp thương hiệu với 3 yếu tố thiết kế thương hiệu nội thất chủ chốt dưới đây nhằm gia tăng ấn tượng, ghi điểm tuyệt đối với khách hàng.

I. DỊCH VỤ – CX


Nói về các chương trình dịch vụ được thiết lập lấy khách hàng làm trọng tâm thì độ phủ rất lớn, hãy phân thành 3 giai đoạn chính:

  • Trước khi mua
  • Trong lúc mua
  • Chăm sóc sau mua

1. Trước khi mua


Nếu bạn có website và các trang fanpage trên các kênh mạng xã hội, mở rộng bán hàng đa kênh giữa online-offline, thì dịch vụ trước khi mua chính là cách thương hiệu nội thất của bạn tương tác với khách hàng, đặc biệt là cách phản hồi và thời gian phản hồi khi khách hàng lần đầu liên hệ với thương hiệu.

Hãy nhớ rằng, thời gian phản hồi càng sớm, càng gây ấn tượng tốt với khách hàng.

Nhưng không chỉ thời gian phản hồi, văn phong, cách hành văn, cách nói chuyện giữa nhân viên tư vấn 1-1 khách hàng cũng rất quan trọng, nó cho khách hàng những cảm nhận đầu tiên về thương hiệu mà sâu xa hơn chính là tính cách thương hiệu. Vì ấn tượng đầu luôn ghi dấu trong tâm trí, vậy nên đừng set up chatbox qua loa hời hợp, và cũng đừng ỷ vào chatbox mà kéo dài thời gian phản hồi bởi tư vấn viên.

2. Trong khi mua hàng


Độ trải nghiệm khi mua hàng sẽ được xét dưới 02 hình thức: online và offline.

2.1. Online

Dường như đơn giản hơn khi không có sự giao tiếp giữa người – người với nhau, tuy nhiên yếu tố cốt lõi lại nằm ở website/ kênh mua hàng. Các bước mua hàng dễ dàng hay phức tạp? Giao diện thiết kế đẹp hay xấu? Dễ dùng hay gây rối? Cho dù bạn bán hàng online thông qua trung gian là các sàn thương mại điện tử, việc thiết kế UX-UI vẫn rất quan trọng.

  • Với sàn thương mại điện tử: cần tập trung vào UI: thiết kế trang homepage gian hàng, cách phân loại/đặt tên sản phẩm, cách sắp xếp danh mục
  • Với website: sẽ phức tạp hơn rất nhiều. Bạn cần tối ưu hóa trải nghiệm người dùng từ bước xem sản phẩm, đề xuất sản phẩm tiếp theo đến bước mua hàng và thanh toán. Các vấn đề xử lý cho website cũng phức tạp hơn, và hơn hết, bạn cần thiết kế UX-UI website của mình khác biệt so với các website thông thường, hoặc ít nhất là với đối thủ để ghi điểm tốt hơn.

Ở bước này, yếu tố thiết kế thương hiệu hỗ trợ chủ lực cho quá trình thiết kế website doanh nghiệp nội thất. Muốn thiết kế UX-UI tốt, website bắt buộc có các yếu tố nhận diện thương hiệu để tạo nên điểm khác biệt với website khác, đồng thời tăng cường điểm nhận diện thị giác thương hiệu với người dùng.

2.2. Hình thức offline – mua tại cửa hàng

Mua offline tại cửa hàng, hàng loạt các vấn đề phát sinh mà CM cần phải bao quát được:

  • Quy trình mua hàng
  • Quy trình – Cách tư vấn
  • Cách trưng bày
  • Cách xử lý các tình huống khi hết hàng

Hãy hiểu khách hàng cần gì!

Việc tư vấn sản phẩm đúng với nhu cầu và ngân sách của khách hàng rất quan trọng. Chúng ta luôn muốn doanh thu tốt, sản phẩm giá càng cao càng đạt KPI nhanh. Nhưng đổi lại, liệu khách hàng có thoải mái khi người tư vấn mua hàng luôn chào hàng các món vượt khả năng chi trả? Giả sử họ đồng ý mua vì ngại từ chối, liệu họ có sẵn sàng quay lại mua lần nữa?

Khách hàng trung thành chính là thế mạnh cạnh tranh của thương hiệu, mức độ trung thành càng cao, thế mạnh cạnh tranh càng bền vững. Cần tập trung vào cách giữ chân khách hàng quay lại nhiều lần sau tiếp thay vì chỉ vì lợi ích ngắn trước mắt.

3. Chương trình chăm sóc sau mua


Có được khách hàng không dễ, đừng quên duy trì mối quan hệ giữa khách hàng – thương hiệu với các chương trình chăm sóc sau mua. Các chương trình chăm sóc sau mua không chỉ dừng lại ở chế độ bảo hành, hậu mãi mà còn là sự chăm sóc định kỳ, là cách giữ tương tác thông qua các kênh online, là cách quản lý data để khi khách hàng quay lại lần 2, bạn hiểu rõ được hành vi mua hàng của cá nhân khách hàng. Cảm giác ngạc nhiên khi đã rất lâu rồi quay lại mua hàng, nhân viên hỏi thăm sản phẩm lần trước mua trải nghiệm như nào, hay nhớ được sự yêu/ghét khi lựa chọn sản phẩm sẽ là 1 điểm wow to bự.

II. NHÂN VIÊN


Mỗi nhân viên đều là bộ mặt của thương hiệu

Không phân biệt lớn nhỏ, từ người gửi xe, nhân viên vệ sinh đến nhân viên tư vấn – bán hàng, quản lý,… đều là thương hiệu và đại diện cho thương hiệu. Hãy nhớ, thương hiệu là một thứ vô hình được thể hiện thông qua những thứ hữu hình. Nhân viên chính là một trong những hữu hình đó. Vì vậy, nếu bạn muốn ghi điểm trên hành trình trải nghiệm của khách hàng, mọi thứ đều nằm ở chương trình training, phong cách lãnh đạo và văn hóa doanh nghiệp của công ty bạn.

III. SỰ CHỈN CHU THỂ HIỆN MỨC ĐỘ CHUYÊN NGHIỆP Ở CÁC ẤN PHẨM THIẾT KẾ THƯƠNG HIỆU


Sẽ có không ít doanh nghiệp nhận định các ấn phẩm thiết kế thương hiệu là dư thừa. Tại sao lại phải tốn chi phí thiết kế những tờ giấy, quyển sách chất lượng cao với chi phí sản xuất tốn kém? Tại sao phải thiết kế thương hiệu, đặc biệt là các ấn phẩm thiết kế thương hiệu nội thất???

Sự dư thừa chính là sự chỉn chu!

Hãy đặt góc nhìn vào lăng kính khách hàng

Bạn bước vào cửa hàng, nhân viên tư vấn tiếp cận và bắt đầu tư vấn cho bạn. Với số lượng hàng hóa quá nhiều và thông tin được cung cấp bới nhân viên tư vấn ồ ạt, bạn thấy choáng ngợp, nghe đó nhưng đâu chắc là nhớ được?! Thế là bên cạnh việc tư vấn và dẫn bạn đi xem trực tiếp các sản phẩm, nhân viên tư vấn đưa bạn tham khảo thêm về sản phẩm trong các ấn phẩm thiết kế như catalogue, giới thiệu cho bạn các sản phẩm mới về hay các chương trình giảm giá đang áp dụng tại cửa hàng trên flyer, brochure. Bạn xem qua, bạn định hình được sản phẩm dễ dàng hơn, thấy hứng thú vì hình ảnh sản phẩm đặt trong bối cảnh thiết kế đẹp quá, nó gợi cho bạn hình dung được sản phẩm này đặt trong ngôi nhà mình thì như thế nào, bạn suy xét xem sản phẩm thực tế. Nhưng, sản phẩm này lại còn được giảm giá đến 30%, bạn suy xét mua hàng.

Liệu đó có phải sự lãng phí?

Trải nghiệm trên đã được chứng mình bởi nghiên cứu của Royal Mail MarketResearch:

63%
Khách hàng tiết lộ việc xem sản phẩm trực tiếp trên catalogue dễ dàng hơn so với trên website hoặc trực tiếp tại cửa hàng
52%
Khách hàng mua sắm nhiều hơn mức dự kiến khi tham khảo catalogue
70%
Nói rằng catalogue giúp họ hình dung ra được cách sử dụng/ứng dụng sản phẩm

Đó là lý do bạn cần các ấn phẩm thiết kế thương hiệu hỗ trợ, điển hình ở đây là thiết kế catalogue. Các ấn phẩm thiết kế thương hiệu nội thất không chỉ giúp hoàn thành độ chỉn chu, chuyên nghiệp cho doanh nghiệp, mà rõ ràng còn là yếu tố trực tiếp thúc đẩy sale với các số liệu thống kê theo bài nghiên cứu.

Bạn chọn mua sản phẩm, lúc đợi sản phẩm được lấy từ kho, bạn nhìn lướt xung quanh khu vực thanh toán/ nhìn vu vơ không gian cửa hàng. Trên bức tường là bức tranh thiết kế hình dấu hiệu nhận diện của thương hiệu, gần khu vực bạn ngồi được trưng bày profile giới thiệu công ty, các cuốn catalog hình ảnh sản phẩm được thiết kế như tạp chí, dùng để làm điểm nhấn không gian nội thất. Bạn cầm lên xem thử, wow chất lượng giấy và màu in ấn tượng? Sao họ rảnh tiền vậy nhỉ? Rảnh tiền sẽ được mặc định chuyển thành công ty này dư thừa nguồn lực tài chính để thiết kế các ấn phẩm này, nghĩa là công ty này phải kinh doanh vận hành tốt. Suy xét lại những trải nghiệm nãy giờ bạn nhận được trong lúc mua hàng, cách nhân viên tư vấn chăm sóc, hỗ trợ,… Bạn nhận ra thương hiệu này “khá xịn” khi mọi thứ thật chuyên nghiệp.

Bạn thanh toán, được kèm theo các hóa đơn được thiết kế riêng, giấy bảo hành cũng được thiết kế riêng theo phong cách thương hiệu, cùng với các chương trình chăm sóc sau mua tất cả một lần nữa củng cố mindset về vị thế của thương hiệu trong đầu bạn. Và trải nghiệm trên chính là lý do mà các ấn phẩm thiết kế nhận diện thương hiệu dưới đây cần phải có nếu thương hiệu bạn muốn khẳng định vị thế trong nhận thức khách hàng. (Thứ tự được sắp xếp theo mức độ ưu tiên – quan trọng của các ấn phẩm thiết kế thương hiệu nội thất)

1. Bảng hiệu – Logo

2. Name card

3. Catalogue

4. Website

5. Giấy tiêu đề

6. Bộ ấn phẩm nhận diện văn phòng

IV. KẾT


Là người kinh doanh trong ngành nội thất, bạn thừa biết rằng rào cản gia nhập ngành không hề lớn, dù thương hiệu của bạn có các USP như nào cũng sẽ bị bắt chước bởi đối thủ, vấn đề chỉ nằm ở thời gian. Vậy nên, hãy hướng tới sự cạnh tranh bền vững mà khách hàng trung thành chính là thành tố tạo nên sự bền vững của thương hiệu. Có khách hàng trung thành, ắt danh tiếng thương hiệu sẽ được củng cố. Mà danh tiếng thương hiệu, không phải là thứ dễ dàng bắt chước, hay muốn là có được!

Đánh giá bài viết
Theo dõi MondiaL trên
Trả lời